Nang không do răng

NANG KHÔNG DO RĂNG CỦA XƯƠNG HÀM

1) Định nghĩa: là nang xuất phát từ biểu mô tồn dư của các ống phôi thai, chúng được vùi sâu trong mô, sau đó phát triển thành nang tăng trưởng (nguyên nhân có thể do viêm hoặc không). (1)

2)Phân loại: gồm 2 loại: nang ống mũi khẩu và nang mũi môi

Ngoài ra lúc trước còn có thuật ngữ nang khe nhưng nay không còn được sử dụng:


- Nang khe (tức là chỉ biểu mô kẹt trong đường ráp nối mô phôi thai) cũng là một thuật ngữ để chỉ nang không do răng(1). Tuy nhiên ngày nay không còn đúng nữa vì bằng chứng phôi thai cho thấy không có sự kẹt biểu mô ở những vị trí này. Những nang này gồm: Nang giữa khẩu cái, nang giữa xương ổ răng, nang giữa hàm dưới và nang gò cầu hàm.
- Những nang này đã được loại bỏ từ phân loại WHO 1992 trừ nang gò cầu hàm bị loại bỏ từ phân loại WHO 2005

1. Nang giữa khẩu cái được cho là sự phát triển về phía sau của nang ống mũi khẩu. Trong khi nang giữa xương ổ là sự phát triển về phía trước của nang ống mũi khẩu.(4)



2. Nang giữa xương hàm dưới: chỉ còn là thuật ngữ chỉ vị trí giải phẫu của những nang/bướu do răng trong xương hàm, vì theo bằng chứng phôi thai cho thấy: sự phát triển của xương hàm dưới là bởi khối trung mô hai thùy, ở giữa nối nhau bởi một eo nhỏ chứ không hề có sự ráp nối biểu mô.(5)

3. Nang gò cầu hàm: chỉ còn là thuật ngữ chỉ vị trí giải phẫu của nang /bướu do răng tại vị trí giữa chân răng cửa bên và răng nanh ở hàm trên. Lúc trước cho rằng đây là nang phát triển do những biểu mô tồn dư ở khe của đường ráp nối gò cầu của mấu mũi giữa và mấu hàm trên. Tuy nhiên theo Ten Cate (1980) cho thấy sự ráp nối này là hiện tượng duy nhất của phôi thai cần phải có sự cô lập biểu mô, do vậy không thể có tình trạng còn biểu mô tồn dư, vì vậy thuyết trên bị bác bỏ.(6)



Tóm tắt:
- Nang không do răng trong xương hàm hiện nay chỉ còn 2 nang tăng trưởng không xuất phát từ khe là: nang ống mũi khẩu và nang mũi môi.
- Những nang khe ngày nay không còn là một thực thể riêng biệt nữa mà nó chỉ còn giá trị về mặt giải phẫu (tức là chỉ bất kỳ nang/bướu nào nằm ngay tại vị trí đó). Các nang này gồm: nang giữa khẩu cái, nang giữa xương ổ, nang giữa xương hàm dưới, nang gò cầu hàm.

Nguồn trích dẫn:
(1) Nguồn internet:
http://www.med-college.de/en/wiki/artikel.php?id=485
(2) Barnes L, Eveson JW, Reichart P, Sidransky D. WHO Classification of Tumours: Pathology & Genetics, Head and Neck Tumours. Lyon: IARC Press; 2005.
(3) Kramer IR, Pindborg JJ, Shear M. WHO International Histological Classification of Tumours: Histological Typing of Odontogenic Tumours. 2nd ed. Heidelberg: Springer-Verlag; 1992.
(4) Shear, M. and Speight, P. (2008). Nasopalatine Duct (Incisive Canal) Cyst. In Cysts of the Oral and Maxillofacial Regions (eds M. Shear and P. Speight).
(5) Gardner, DG (February 1988). "An evaluation of reported cases of median mandibular cysts". Oral Surgery, Oral Medicine, and Oral Pathology. 65 (2): 208–13.
(6) Dammer, U., Driemel, O., Mohren, W., Giedl, C., & Reichert, T. E. (2013). Globulomaxillary cysts—do they really exist? Clinical Oral Investigations, 18(1), 239–246.

Nhận xét