Liệt Bell

LIỆT BELL

Liệt Bell được đặt theo tên của ngài Charles Bell (người mô tả đầu tiên) năm 1821. Đây là bệnh lý thần kinh cấp tính hay gặp nhất, và là nguyên nhân phổ biến nhất của liệt mặt ngoại biên.

1.       Nguyên nhân:

Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân chính xác của bệnh. Thuyết được ủng hộ nhiều nhất là do tình trạng sưng nề của dây thần kinh trong ống thần kinh mặt, dẫn đến chèn ép thần kinh. Virus Herpes simplex type 1 hoặc varicella virus có liên quan nhiều đến bệnh này.

-          Ngoài ra bệnh còn liên quan đến bệnh lý đái tháo đường, suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai, bệnh lý đường hô hấp trên, lạnh.

-          Tình trạng liệt dây VII tái phát có thể liên quan đến yếu tố gia đình, do bất thường giải phẫu ống thần kinh mặt

-          Thường gặp ở tuổi 15-45, tỷ lệ 11-40/100000 (1)

-          Hầu hết bệnh nhân đều tự hồi phục sau 2-3 tuần từ khi có triệu chứng mà không cần điều trị, và hồi phục hoàn toàn sau 3-4 tháng

-          Nếu không điều trị,  70-75% bệnh nhân tự phục hồi hoàn toàn

-          Nếu được điều trị với steroid sớm, tỷ lệ phục hồi hoàn toàn lên đến 82%

2.       Triệu chứng: (4)

Chủ yếu ảnh hưởng một bên mặt, hiếm khi xảy ra ở hai bên.

-          Yếu cơ hay liệt cơ mặt một bên-thường nhất là xảy ra nhanh trong 72 giờ

-          Xệ mắt một bên

-          Khô mắt do đóng không kín

-          Tăng tiết nước mắt

-          Xệ một bên khóe miệng.

-          Khó ăn do yếu cơ một bên, chảy nước bọt ra ngoài miệng, giảm vị giác

-          Đau bên trong hoặc sau tai

-          Nhạy cảm với tiếng ồn

3.       Khám lâm sàng, bệnh sử: quan trọng để loại trừ những bệnh lý khác. Liệt bell chỉ được chẩn đoán khi loại trừ hết mọi nguyên nhân thực thể khác.

4.       Xét nghiệm cận lâm sàng:

-          Xét nghiệm huyết thanh: giúp phát hiện nguyên nhân do Lyme, Herpes, Zoster. Thường ít khi được chỉ định, và chủ yếu được chỉ định khi bệnh nhân có nguy cơ bị Lyme hoặc trong vùng dịch tễ của bệnh này.

-          Chẩn đoán hình ảnh:

Thường không cần thiết ở bệnh nhân mới gặp tình trạng liệt mặt. Nên làm khi có nghi ngờ bất thường trên bệnh sử hay khi khám lâm sàng ( VD: chấn thương xương thái dương, bệnh sử có khối u, hoặc tình trạng liệt mặt không hồi phục, hay trở nên nặng hơn trong thời gian theo dõi). Ngoài ra, những triệu chứng lạ như liệt tái phát cùng một bên, liệt một nhánh độc lập nào đó của thần kinh mặt, liệt liên quan đến các thần kinh sọ khác, hoặc không phục hồi trong vòng 3 tháng. Khi đó cần chụp MRI hoặc CT có cản quang.

-          Ở trẻ em liệt Bell cần kiểm tra huyết áp: đã ghi nhận 2 trường hợp hẹp eo động mạch chủ, gây liệt dây thần kinh mặt và tăng huyết áp

5.       Điều trị:

1)      Steroid:

+ Nên điều trị càng sớm càng tốt, trong vòng 72 giờ khi bắt đầu có triệu chứng. Cơ chế được cho là giảm tình trạng viêm sưng vùng quanh dây thần kinh, giúp giảm tình trạng chấn thương thần kinh.

+ Chỉ nên điều trị cho bệnh nhân 16 tuổi trở lên, vì trẻ em đa phần có tiên lượng tốt và hồi phục tốt dù không điều trị, và hiện rất ít bằng chứng về việc sử dụng steroid trên trẻ em bị liệt bell

+ Có 2 gợi ý sử dụng (3)

·         25mg hai lần mỗi ngày trong 10 ngày

·         60mg mỗi ngày trong 5 ngày, sau đó giảm 10mg mõi ngày

2)      Thuốc kháng virut: Có thể sử dụng kết hợp với steroid. Vẫn chưa có nghiên cứu mẫu rộng để chứng minh hiệu quả của phương pháp này. Nhưng vì thuốc này không gây nhiều tác dụng phụ nên vẫn được nhiều bác sĩ sử dụng.

3)      Châm cứu, vật lý trị liệu kết hợp

4)      Chăm sóc mắt: Vì mắt nhắm không kín, kèm theo tình trạng giảm tiết nước mắt sẽ làm mắt bệnh nhân bị tổn thương. Gồm: dùng kính râm, sử dụng thuốc mỡ tra mắt hoặc nước nhỏ mắt để giúp bôi trơn, miếng dán mắt

5)      Cần chuyển đến bác sĩ chuyên về thần kinh mặt khi bệnh nhân có:

-           Tình trạng liệt cơ nặng hơn

-          Những triệu chứng ảnh hưởng đến mắt

-          Hồi phục không hoàn toàn sau 3 tháng từ khi bắt đầu triệu chứng

 

1)      1: Cirpaciu D, Goanta CM, Cirpaciu MD. Recurrences of Bell's palsy. J Med Life.2014;7 Spec No. 3:68-77

2)      Baugh, R. F., Basura, G. J., Ishii, L. E., Schwartz, S. R., Drumheller, C. M., Burkholder, R., … Vaughan, W. (2013). Clinical Practice Guideline: Bell’s Palsy. Otolaryngology–Head and Neck Surgery, 149(3_suppl), S1–S27.

3)      Salinas RA, Alvarez G, Daly F, et al; Corticosteroids for Bell's palsy (idiopathic facial paralysis). Cochrane Database Syst Rev. 2010 Mar 17(3):CD001942. doi: 10.1002/14651858.CD001942.pub4.

4)      Somasundara D, Sullivan F. Management of Bell's palsy. Aust Prescr. 2017;40(3):94‐97. doi:10.18773/austprescr.2017.030

Hình 1: Hướng dẫn đánh giá bệnh nhân liệt Bell

Hình 2: Các dấu hiệu của liệt Bell


Nhận xét